Tin Tức

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Xóa điểm nghẽn để phát triển

Thiếu công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nguyên phụ liệu cho sản xuất phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (NK) đã tạo thành nút thắt khiến ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam phát triển không đồng đều, giá trị gia tăng thấp.

 

 

Phát triển không đồng đều

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu (XK) trọng điểm của cả nước. Năm 2017, ngành đã đạt 31,7 tỷ USD kim ngạch XK, năm 2018 dự kiến đạt từ 34 - 34,5 tỷ USD. Giai đoạn 2018 - 2020, XK dệt may tiếp tục được nhận định có nhiều khả quan, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9%/năm. Mặc dù vậy, nếu nhìn về tổng thể, ngành dệt may đang phát triển không đồng đều. Phân ngành may vẫn chiếm đa số về số lượng doanh nghiệp, giá trị XK và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may (Vitas) - chia sẻ: Khâu khó của ngành là nguồn cung nguyên phụ liệu nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để, phân ngành may phụ thuộc vào nguồn NK đã tạo thành điểm nghẽn cho phát triển. Năm 2017, ngành NK trên 11 tỷ USD vải, 2,3 tỷ USD bông, 1,8 tỷ USD sợi. Do không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất, giá trị gia tăng đạt được của ngành dệt may không cao, hiện chỉ đạt khoảng 50%. Nguyên nhân chính của tình trạng trên, theo lý giải của lãnh đạo Vitas, là do thiếu vốn. Khâu dệt nhuộm luôn đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hơn rất nhiều so với may, nên rất ít doanh nghiệp trong nước có khả năng thực hiện, ngay cả với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước cũng không ngoại lệ.

Thống kê của Vitas cũng cho thấy, chỉ 8,3% số vốn đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may hiện nay là đầu tư vào khâu dệt nhuộm. Mặt khác, hiện nhiều tỉnh, thành không mặn mà với các dự án dệt nhuộm do lo ngại về vấn đề môi trường. Trên thực tế, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ dự án dệt nhuộm khá lớn nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. Một khó khăn nữa là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng hiện diện sâu trong ngành công nghiệp dệt may. Việc ứng dụng công nghệ tự động hóa là tất yếu, tuy nhiên, nguồn nhân lực có thể vận hành các thiết bị này rất hạn chế. 

Cần đầu tư xứng đáng 

Có thể thấy, thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu đang là rào cản lớn nhất cho phát triển ngành công nghiệp dệt may hiện nay. Việc thông điểm nghẽn này, đồng nghĩa với việc đầu tư xứng đáng cho CNHT để có thể chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu.

Để làm được điều này, theo lãnh đạo Vitas, phải tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài vào dệt nhuộm. Muốn vậy, ngoài nỗ lực và thiện chí của nhà đầu tư, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ quy trình hoạt động, xả thải các địa phương, cần cấp phép cho các dự án dệt nhuộm.

Cùng đó, chính sách ưu đãi trong và ngoài các khu công nghệ cao cần bình đẳng hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất. Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành dệt may, trong đó ưu tiên cho phát triển nhân lực chất lượng cao trong các khâu quản lý sản xuất, kỹ thuật, thiết kế thời trang, marketing… Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển CNHT như: Vốn tín dụng trong nước, vốn liên doanh, liên kết, vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay ưu đãi cho CNHT cho ngành. Việc phát triển ngành CNHT toàn diện cho dệt may là cần thiết, tuy nhiên, không hề dễ dàng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp mạnh trong nước cần liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư từng bước, ưu tiên vào những khâu yếu nhất của ngành.

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Các tin khác
zalo